Đương thời Lịch_sử_quan_hệ_hai_bờ_eo_biển_Đài_Loan

Đối đầu quân sự

Ngày 15 tháng 3 năm 1949, Tân Hoa Xã công bố bài xã luận "nhân dân Trung Quốc nhất định phải giải phóng Đài Loan", lần đầu khẩu hiệu "giải phóng Đài Loan" được nêu ra[106]. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sau khi thất bại trong nội chiến, phải dời sang Đài Loan thì nêu ra các khẩu hiệu "phản công Đại lục", "tiêu diệt Cộng phỉ", "giải cứu đồng bào", đồng thời ban bố điều lệ kiểm soát nghiêm ngặt gián điệp cộng sản thời kỳ dẹp loạn, hạn chế nghiêm ngặt liên hệ qua lại giữa dân chúng Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, hai bờ eo biển từng trải qua các cuộc giao chiến là Chiến dịch Cổ Ninh Đầu tại Kim Môn năm 1949, Chiến dịch đảo Đông Sơn năm 1953, Pháo chiến Kim Môn lần thứ nhất năm 1954, Chiết dịch Nhất Giang Sơn tháng 1 năm 1955, Chiến dịch đảo Đại Trần tháng 2 năm 1955, Pháo chiến ngày 23 tháng 8 năm 1958[107], hai bên đều có thắng bại.

Trong thời gian này, Chiến tranh Triều Tiên bùng phát, quân đội Hoa Kỳ tiến vào đồn trú tại Đài Loan[108], đồng thời chỉ ra rằng địa vị của Đài Loan chưa được xác định[109]. Do đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tố cáo lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Đài Loan bị xâm nhập vũ trang, đồng thời kháng nghị việc bị Liên Hiệp Quốc bài trừ[110], song đề án này cuối cùng bị phủ quyết[111]. Trong Hoà ước San Francisco, Nhật Bản từ bỏ toàn bộ quyền lợi, quyền lợi danh nghĩa và yêu cầu đối với Đài Loan và Bành Hồ[112], song Trung Hoa Dân Quốc và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đều chưa tham gia ký kết hoà ước. Sau đó, Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản ký kết Hoà ước Trung-Nhật vào năm 1952[113]. Năm 1954, "Điều ước Phòng thủ chung Trung-Mỹ" được ký kết, khiến cho Quân Giải phóng có sự kiêng dè[114]. Tháng 4 năm 1955, Thủ tướng Chu Ân Lai đến Indonesia tham dự Hội nghị Bangdung[chú thích 6], đồng thời phát biểu rằng "Chính phủ Trung Quốc bằng lòng cùng Chính phủ Hoa Kỳ đàm phán, tranh thủ phương thức hoà bình để giải phóng Đài Loan". Lý Tông Nhân tại Hoa Kỳ sau khi biết tin[chú thích 7], vào tháng 8 cùng năm tuyên bố kiến nghị về vấn đề Đài Loan, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc liền phong toả tin tức về phát biểu này.[116]:2

Đầu tháng 10 năm 1958, Quân Giải phóng tuyên bố bãi bỏ phong toả Kim Môn[117], về sau đổi thành bắn phá không liên tục, dần dần giảm thiểu tấn công, cuộc đấu giữa hai bờ chuyển sang chủ yếu tranh chấp về tính chính thống, tranh giành quyền đại diện cho Trung Quốc trên trường quốc tế[118]. Năm 1963, Chu Ân Lai đưa chính sách Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc quy thành "một quy tắc bốn điều khoản"[119]. Năm 1971, nước Cộng hoà Nhan dân Trung Hoa thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong vai trò quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; đến năm 1972 Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc, hai bên ký kết "Thông cáo Thượng Hải"[120],同年9月中日建交[121];đến ngày 1 tháng 1 năm 1979 Hoa Kỳ và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao[122], đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc, lấy "Luật quan hệ Đài Loan" để thay cho "Điều ước phòng thủ chung Trung-Mỹ", đồng thời rút quân đội khỏi Đài Loan. Tình thế ngoại giao hai bờ đã đảo nghịch[9]. Ngày 1 tháng 1 năm 1979, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Từ Hướng Tiền tuyên bố đình chỉ pháo kích Kim Môn và các đảo khác, chính thức kết thúc 21 năm pháo chiến Kim Môn.

Hoà hoãn giao lưu

Khẩu hiệu "một quốc gia hai chế độ, thống nhất hoà bình" tại Hạ Môn.

Ngày 1 tháng 1 năm 1979, Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc công bố "thư gửi đồng bào Đài Loan"[123], sử dụng "thống nhất hoà bình, một quốc gia hai chế độ" để thay thế "giải phóng Đài Loan", thái độ đối với Đài Loan chuyển từ cứng rắn sang hướng hoà hoãn[124]. Đáp lại, ngày 4 tháng 4 Tưởng Kinh Quốc đưa ra chính sách ba không là "không tiếp xúc, không đàm phán, không thoả hiệp[125]. Ngày 29 tháng 5, tàu thuyền của Trung Quốc đại lục khôi phục việc đi qua eo biển Đài Loan[126]. Ngày 9 tháng 6 năm 1980, Tưởng Kinh Quốc đề xuất "chủ nghĩa Tam dân thống nhất Trung Quốc". Năm 1981, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Đài Loan hoạt động tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến mở bốn cảng cho tàu thuyền của Đài Loan neo đậu và trạm tiếp đón đồng bào Đài Loan, mở đầu cho qua lại mậu dịch và nhân viên giữa hai bờ eo biển sau cải cách mở cửa tại Đại lục[123]. Ngày 1 tháng 10 năm 1981, Ủy viên trưởng Diệp Kiếm Anh đề xuất chính sách phương châm 9 điều về thống nhất hoà bình Đài Loan, biểu thị "sau khi quốc gia thực hiện thống nhất, Đài Loan có thể trở thành khu hành chính đặc biệt, hưởng quyền tự trị cao độ, đồng thời có thể duy trì quân đội. Chính phủ trung ương không can dự công việc địa phương của Đài Loan".[124] Ngày 24 tháng 7 năm 1982, Bộ trưởng Liệu Thừa Chí gửi thư cho Tưởng Kinh Quốc, kêu gọi hai bờ triển khai hoà đàm[127], Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc không hồi đáp[128].

Năm 1987, Đai Loan mở cửa cho dân chúng sang Đại lục thăm thân, hoạt động thương mại dân sự giữa hai bờ gia tăng nhanh chóng. Tháng 6 năm 1989, khu vực Đài Loan chính thức mở cửa cho hàng hoá Đại lục nhập khẩu gián tiếp. Sau đó, trong quan hệ thương mại giữa hai bờ, Đài Loan có được thặng dư lớn từ Đại lục, sự phụ thuộc vào kinh tế Đại lục cũng dần tăng lên. Ngày 7 tháng 10 năm 1990, Tổng thống Lý Đăng Huy tuyên bố thành lập Ủy ban Thống nhất Quốc gia, đến ngày 23 tháng 2 năm 1991 thì thông qua Cương lĩnh Thống nhất Quốc gia, chủ trương căn cứ theo nguyên tắc "dân chủ, tự do, cùng thịnh vượng" để xúc tiến thống nhất Trung Quốc[9]. Hiến pháp được sửa đổi, phân Trung Hoa Dân Quốc thành "khu vực Đại lục" và "khu vực tự do". "Điều lệ quan hệ nhân dân hai bờ" định nghĩa "khu vực đại lục" là lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc nằm bên ngoài khu vực Đài Loan[129].

Năm 1991, Quỹ Giao lưu Eo biển của Đài Loan và Hiệp hội Quan hệ Hai bờ Eo biển của Đại lục bắt đầu hoạt động[130][131], năm 1992 tiến hành hội đàm tại Hồng Kông, song không có thành quả. Tháng 4 năm 1993, hai bên trên cơ sở Nhận thức chung 1992 tiến hành hội đàm Uông Đạo Hàm-Cô Chấn Phủ[132]. Tháng 1 năm 1995, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đề xuất chủ trương tám điều nhằm phát triển quan hệ hai bờ, xúc tiến tiến trình thống nhất hoà bình Trung Quốc. Đáp lại, ngày 8 tháng 4, Tổng thống Lý Đăng Huy đề xuất kiến nghị sáu điều.[133]

Nhận thức đối lập

Cờ hiệu của Đại hội người Đài Loan Thế giới được sử dụng rộng rãi trong các bối cảnh hoạt động Đài Loan độc lập.

Sự kiện tàu cá Mân Bình năm 1990 và sự kiện Thiên Đảo năm 1994 khiến dân chúng hai bờ bất mãn[134]. Tháng 6 năm 1995, Tổng thống Lý Đăng Duy lấy danh nghĩa cá nhân sang thăm Đại học Cornell, đề xuất định vị quốc gia là "Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan"[135], dẫn đến nguy cơ tên lửa tại eo biển Đài Loan. Tháng 8 năm 1996, Trung Quốc đại lục mở hai cảng Phúc Châu và Hạ Môn làm cảng vận chuyển trực tiếp giữa hai bờ, Đài Loan chỉ mở cảng Cao Hùng để đáp lại, song thi hành việc không mua hàng, không thông quan để cản trở tam thông[9]. Ngày 14 tháng 9 năm 1996, Tổng thống Lý Đăng Huy đề xuất tại Đại hội Doanh nhân Đài Loan chủ trương "giới cấp dụng nhẫn" (không nóng vội), hạn chế giới doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc đại lục[136]. Năm 1997, Phúc Kiến thành lập khu thí điểm hợp tác nông nghiệp hai bờ eo biển tại Phúc Châu và Chương Châu. Tháng 5 năm 1999, Đại hội Đảng Dân tiến thông qua "Nghị quyết tiền đồ Đài Loan"[137]. Tháng 7 cùng năm, Tổng thống Lý Đăng Huy đề xuất "lưỡng quốc luận", chủ trương quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục là "quốc gia và quốc gia", ít nhất là quan hệ đặc thù giữa hai quốc gia.

Ngày 25 tháng 10 năm 2008, cựu Tổng thống Trần Thuỷ Biển cầm cờ ghi cỡ "Đài Loan Trung Quốc, mỗi bên một nước" tham gia tuần hành.

Năm 2000, Đảng Dân tiến lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền tại Trung Hoa Dân Quốc, Trần Thuỷ Biển trong lễ nhậm chức đã đề xuất rằng chỉ cần Trung Quốc đại lục không có ý dùng vũ lực với Đài Loan, thì trong nhiệm kỳ của ông sẽ không tuyên bố độc lập, không đổi quốc hiệu, không xúc tiến đưa lưỡng quốc luận vào hiến pháp, không xúc tiến trưng cầu dân ý về thay đổi hiện trạng, và không có bãi bỏ cương lĩnh thống nhất quốc gia và Ủy ban Thống nhất Quốc gia[138], trong nhiệm kỳ của mình ông tiến hành một loạt phong trào bản địa hoá Đài Loan như "phi Trung Quốc hoá"[139], "phi Tưởng hoá"[140]. Năm 2001, giữa Mã Tổ cùng Kim Môn và Mã Vĩ, Hạ Môn thực hiện khai thông về thương mại, hàng hoá và bưu chính. Năm 2001, Trần Thuỷ Biển khi sang thăm Guatemala có đề ra "chính sách năm không mới" về quan hệ hai bờ[141]. Ngày 2 tháng 8 năm 2002, Trần Thuỷ Biển trong hội nghị của "Hội đồng hương Đài Loan Thế giới" đề xuất "mỗi bên một quốc gia", chỉ Đài Loan và Trung Quốc không thuộc cùng một quốc gia. Ngày 22 tháng 2 năm 2004, Trần Thuỷ Biển cho biết Trung Quốc đại lục có 496 tên lửa hướng về Đài Loan, sau mỗi sáu ngày thì có thêm một quả[142]. Do đó, Đài Loan tiến hành phong trào triệu người tay cầm tay bảo vệ Đài Loan ngày 28 tháng 2, phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa chĩa thẳng vào Đài Loan[143].

Tháng 3 năm 2005, Tổng thống Trần Thuỷ Biển nói với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu và phóng viên rằng không thực hiện được việc đổi quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc thành nước Cộng hoà Đài Loan[144]. Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào liền phát biểu bốn "tuyệt đối không" đối với công tác Đài Loan, sau đó Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua "Luật chống phân liệt quốc gia". Ngày 26 tháng 3, Đảng Dân tiến, Liên minh Đoàn kết Đài Loan và các tổ chức khác tiến hành tuần hành thể hiện kháng nghị[145]. Tuy nhiên từ tháng 4 đến tháng 7, Chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến, Chủ tịch Đảng Thân dân Tống Sở Du, Chủ tịch Tân Đảng Úc Mộ Minh lần lượt sang thăm Đại lục, hoà hoãn quan hệ hai bờ[146][147]. Ngày 2 tháng 8 năm 2005, Trần Thuỷ Biển đề xuất thuyết bốn giai đoạn, tức "Trung Hoa Dân Quốc tại Đại lục, Trung Hoa Dân Quốc đến Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc là Đài Loan". Bốn ngày sau, ông lại đề xuất "một nguyên tắc, ba kiên trì, năm phản đối" làm quy tắc xử lý vấn đề hai bờ. Năm 2006, Trần Thuỷ Biển tuyên bố "Cương lĩnh thống nhất quốc gia" không còn thích hợp để sử dụng[148], sang năm 2007 đề xuất "bốn cần một không", tức Đài Loan cần độc lập, Đài Loan cần chính danh[149], Đài Loan cần hiến pháp mới, Đài Loan cần phát triển; Đài Loan không có con đường tả hữu, chỉ có vấn đề thống nhất-độc lập, khiến Trung Quốc và đại lục và Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ.[150], tuy nhiên thương mại hai bờ vẫn tiếp tục phát triển. Trong năm 2008, "tiểu tam thông" vận chuyển được 974 nghìn lượt người.[123]

Gần đây

Ngày 7 tháng 11 năm 2015, nhà lãnh đạo hai bờ gặp mặt tại Singapore.

Ngày 22 tháng 3 năm 2008, Mã Anh Cửu chiến thắng trong bầu cử tổng thống, đến ngày 20 tháng 5 Quốc dân đảng quay lại nắm quyền, chủ trương "bất thống, bất độc, bất vũ", tức trong nhiệm kỳ của Mã Anh Cửu đảm bảo không xúc tiến hai bờ thống nhất, cũng không tuyên bố Đài Loan độc lập, giữa hai bờ không tiến hành chiến tranh quân sự. Tháng 10 và 11 cùng năm, phó hội trưởng và hội trưởng của Hiệp hội Quan hệ Hai bờ Eo biển sang thăm Đài Loan, bị dân chúng Đài Loan tấn công, bao vây. Ngày 31 tháng 12 cùng năm, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào trong dịp kỷ niệm 30 năm "thư gửi đồng bào Đài Loan" có đề xuất sáu điểm. Quan hệ hai bờ dựa trên cơ sở "Nhận thức chung 1992" không ngừng phát triển, hội quan hệ hai bờ của hai bên tiến hành 11 lần gặp mặt giữa các lãnh đạo, hai bờ lần lượt ký kết 23 thoả thuận và hai tuyên bố chung, trong đó bao gồm hiệp định kiến tạo hợp tác kinh tế hai bờ eo biển (ECFA), khởi động đường bay định kỳ trực tiếp giữa hai bờ, hai bờ hợp tác cùng tấn công tội phạm[151].

Năm 2014, Phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương tại Đài Loan ngăn chặn động lực nhất thể hoá kinh tế hai bờ[152]. Tháng 6 cùng năm. Thị trưởng Đài Nam Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân tiến khi sang thăm Trung Quốc đại lục có phát biểu rằng tương lai của Đài Loan do 23 triệu dân cùng quyết định. Văn phòng sự vụ Đài Loan của Đại lục đáp lại rằng vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc do toàn dân Trung Quốc cùng quyết định, bao gồm đồng bào Đài Loan, đồng thời phản đối lập trường của thế lực Đài Loan độc lập không thay đổi[153]. Cùng tháng, Chủ tịch Ủy ban sự vụ Đài Loan Trương Chí Quân sang Đài Loan, gặp mặt Chủ tịch Ủy ban Đại lục Vương Úc Kỳ, dẫn đến một loạt tranh luận và xung đột tại Đài Loan. Tháng 9, Văn phòng sự vụ Đài Loan mời hơn 20 đoàn thể Đài Loan thuộc phái thống nhất sang thăm Bắc Kinh, Tổng thư ký Tập Cận Bình bày tỏ lại rằng phương châm cơ bản của Đại lục trong giải quyết vấn đề Đài Loan là "thống nhất hoà bình, một quốc gia hai chế độ"[154]. Trước việc này, Viện trưởng Hành chính viện Giang Nghi Hoa biểu thị rằng Trung Hoa Dân Quốc luôn không chấp nhận chính sách một quốc gia hai chế độ, chủ trương của họ là duy trì hiện trạng trong khuôn khổ hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc.[155]. Trung Quốc đại lục liên tục đề xuất sách lược thống nhất mới[156][157]. Ngày 7 tháng 11 năm 2015, nhà lãnh đạo tối cao của hai bờ eo biển là Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu tiến hành gặp mặt tại Singapore[158], đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa nhà lãnh đạo tối cao hai bên từ sau khi chia tách chính trị vào năm 1949[159][160], hai bên trao đổi ý kiến về việc xúc tiến phát triển quan hệ hoà bình hai bờ[161].

Ngày 20 tháng 5 năm 2016, Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân tiến nhậm chức tổng thống, bà chủ trương duy trì hiện trạng, song đồng thời không thừa nhận Nhận thức chung 1992[162], và nói chuyện điện thoại với Donald Trump sau khi ông đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ. Trung Quốc đại lục không ngừng gây áp lực lên chính phủ của Thái Anh Văn[163], muốn Thái Anh Văn trở lại quỹ đạo Nhận thức chung 1992[164]. Thái Anh Văn trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Dân tiến có thư mở viết rằng phản đối áp lực của Trung Quốc đại lục, phát triển quan hệ với các quốc gia khác, thoát khỏi phụ thuộc và Trung Quốc[165]. Đa số dân chúng Đài Loan một mặt bất mãn ước áp lực ngoại giao của Trung Quốc đại lục[166], một mặt bất mãn với thể hiện của Thái Anh Văn trong xử lý quan hệ hai bờ[167].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_quan_hệ_hai_bờ_eo_biển_Đài_Loan http://orientaldaily.on.cc/cnt/china_world/2015011... http://www.readbooks.cc/book/11/detail_769730.htm http://www.arats.com.cn/lhstgh/gaikuang/200806/t20... http://www.coscogz.com.cn/gzyyxcw/ztzx_show.asp?Ti... http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64165/79703/7979... http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64170/4467358.ht... http://dangshi.people.com.cn/BIG5/n/2012/0913/c850... http://fj.people.com.cn/BIG5/n2/2016/0321/c234949-... http://theory.people.com.cn/GB/40538/3455700.html http://news.sina.com.cn/c/2004-02-23/09372935106.s...